Trong một lần đến thăm gia đình chị Trần Thị Huế Anh, ấp Trường Thành A, xã Trường Khánh, huyện Long Phú, mới thấu hiểu được hết đồng vốn vay ưu đãi đã phát huy được hiệu quả như thế nào.
Trích ảnh: Cơ sở may của gia đình chị Trần Thị Huế Anh.
Tháng 12/2022, chị được cho vay chương trình giải quyết việc làm số tiền 100 triệu đồng từ nguồn vốn Ngân sách huyện ủy thác qua Ngân hàng NHCSXH huyện Long Phú để mở rộng cơ sở may. Với nguồn vốn ưu đãi này cùng với vốn tích cóp, mua thêm nhiều máy chuyên dụng, trước đây chỉ có 3 máy, trong căn nhà là nơi sinh hoạt của gia đình thì hiện tại cũng từ đồng vốn này đã tăng lên 10 máy, một cơ sơ sản xuất gia công mới khang trang hơn, cộng với nỗ lực vươn lên của chị nên kinh tế gia đình dần dần ổn định, mà chị cũng có thời gian để chăm lo cho gia đình, chăm sóc con cái được tốt hơn.
Chị Huế Anh chia sẻ: Năm 2004, chị bước chân lên thành phố lập nghiệp với nghề may trong công ty tư nhân. Năm 2008, chị gặp anh Tuấn và cùng xây dựng gia đình, quanh năm ở xứ người, sáng cùng chồng đi làm, tối về lo chăm sóc gia đình, cũng trong năm đó chị nghỉ thai sản, tất cả nỗi lo, vất vả đè nặng lên đôi vai của anh, nên chuyện thiếu trước hụt sau diễn ra thường xuyên.
Sau thời gian khó khăn và cùng với sự cố gắng, với kinh nghiệm sẵn có, vợ chồng chị cũng dành dụm mua được 3 cái máy may cũ để tự nhận đồ về gia công tại nhà. Tuy nhiên, ở thành phố chi phí cho sinh hoạt và chi phí để có một cơ sở nhỏ đối với chị là quá lớn. Với thu nhập của hai vợ chồng cũng chỉ đủ trang trải cho cuộc sống gia đình thì việc trở về quê tiếp tục nghề, với một xưởng gia công ở nhà, có thêm điều kiện để nuôi dạy con cái là điều chị luôn mong ước.
Năm 2019, chị và chồng quyết định về quê, dưới căn nhà nhỏ của ba mẹ, chị cùng anh nhận quần áo từ xưởng may ở TP. Hồ Chí Minh về gia công tại nhà nhưng do nguồn lực gia đình có hạn nên chỉ cầm chừng mà hiệu quả cũng chưa được bao nhiêu. Giữa năm 2022, tham gia vào Hội phụ nữ ấp và được mọi người giới thiệu, động viên mà chị đã tiếp cận với nguồn vốn Ngân sách huyện ủy thác qua NHCSXH cho vay. Tính đến nay cơ sở của chị Huế Anh có hơn 10 máy may chuyên dụng với năng suất từ 250 - 300 sản phẩm trên ngày, với giá gia công 7.500 đồng/sản phẩm, trừ đi chi phí gia đình chị thu nhập từ 400.000 - 500.000 đồng/ngày. Ngoài ra, hàng ngày cơ sở của chị còn thuê thêm nhân công, tạo điều kiện cho hơn 7 cho bà con ở xã có việc làm và chị cũng có điều kiện chăm sóc con cái, gia đình tốt hơn.
Theo ông Trương Quốc Khánh, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Long Phú, Ngân hàng đã cùng với chính quyền địa phương, Hội Đoàn thể, Tổ TK&VV tuyên truyền cho các hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi.
Tính đến nay, nguồn vốn Ngân sách huyện ủy thác qua NHCSXH huyện Long Phú là 4.368 triệu đồng, dư nợ 3.299 triệu đồng, với 3 chương trình cho vay là Hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo và giải quyết việc làm, có 105 khách hàng vay vốn. Trong năm 2022, nguồn vốn này đã cho vay hơn 2.122 triệu đồng, nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay đã giải quyết việc làm cho hơn 40 lao động ở địa phương.
Ông cũng cho biết, trong thời gian tới, Ngân hàng sẽ tiếp tục rà soát nhu cầu vay vốn, bên cạnh đó tìm kiếm những mô hình tiêu biểu, có hiệu quả để chuyển nguồn vốn từ Ngân sách huyện ủy thác đến đúng đối tượng thụ hưởng, giúp cho bà con có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn, có công việc ổn định, nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống, góp phần vào sự phát tiển kinh tế của huyện nhà.
Tin, ảnh: Tuấn Khương